Tên khác: Rau Bồ cóc, Diếp hoang, Diếp trời, Diếp dại, Mũi mác.
Tên khoa học: Lactuca indica L.
Họ: Cúc (Asteraceae).
Đặc điểm và phân bố bồ công anh mũi mác.
Bồ Công anh Mũi mác. |
Cây thảo, cao 0.6-1m, có khi đến 2-3m. Thân thẳng rất ít cành hoặc không có cành. Lá mọc so le, có nhiều hình dạng, gần như không cuống. Lá phía dưới gốc dài đầu nhọn, chia thành nhiều thùy hay răng cưa to. Lá phía trên gần ngọn ngắn hơn, gần như nguyên, có khía răng thưa. Bấm thân lá đều tiết ra chất nhựa mủ trắng, vị hơi đắng. Hoa tự hình đầu, màu vàng, có loại tím. Quả bế dẹp, có mang một mào lông ở đầu.
Mọc hoang và đã được trồng.
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản bồ công anh mũi mác.
Toàn cây, trừ rễ. Thu hoạch vào khoảng tháng 5-7 khi cây chưa ra hoa.
Chế biến: Rửa sạch, cắt ngắn từ 3-5cm, phơi khô tới độ ẩm dưới 12%. Có thể nấu thành cao đặc (1ml=10g dược liệu).
Bảo quản: Để chỗ khô ráo.
Thành phần hóa học.
Có hai chất đắng chính là lactuxin và lactucopicrin.
Tính vị, tác dụng bồ công anh mũi mác.
Vị đắng, tính mát. Thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng độc.
Công dụng, cách dùng, liều lượng.
Chữa sưng vú, đau nhức, đinh nhọt, tràng nhạc và các vết thương nhiễm trùng.
Ngày dùng: 15-30g dược liệu khô, hoặc 20-40g dược liệu tươi, dạng thuốc sắc.
Thuốc đắp: 20-40g cây tươi, rửa sạch, giã nhỏ, cho vào một ít muối, đắp vào chỗ bị viêm nhọt.
Bài thuốc chữa sưng và đau vú: Bồ công anh 12g, Sài đất 80g, Lá quýt hôi 40g, nước 600ml. Sắc còn 300ml, chia 2 lần, uống trong ngày.
Kiêng kỵ.
Các chứng âm thư đã vỡ cấm dùng.
Ghi chú: Ở nước ta và các nước khác còn dùng cây Bồ công anh Taraxacum officinale Wigg. Cũng thuộc học Cúc (Asteraceae) với công dụng: thuốc bổ đắng, thông mật, thông tiểu, chữa mụn nhọt.
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá