Tên khoa học: Gossypium sp.
Họ: Bông (Malvaceae0
Đặc điểm phân bố Bông.
Cây thảo hay cây nhỡ, sống hàng năm hay sống dai, cao 1-4m. Lá mọc so le, có cuống, phiến lá chia thành thùy, có gân hình chân vịt. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu vàng hay hơi đỏ. Tiểu đài 3, đài hình chén, tràng cấu tạo bởi 5 cánh hoa rời nhau, mép cái nọ úp lên mép cái kia, vặn xoắn trong nụ, nhị nhiều, đính thành ống. Bầu 3-5 ô. Quả nang hình trứng, đầu nhọn, thành dầy, khi chín nức thành 3-5 mảnh, mỗi mảnh chừng 6 hạt. Hạt hình cầu hoặc hơi dài, có góc. Vỏ hạt nhiều lông dài dùng để dệt vải.
Ở nước ta hiện nay trồng hai loài Bông: Bông luồi (Gossypium hirsutum L.), Bông cỏ (Gossypium barbadense L.).
Bộ phận dùng, chế biến, bảo quản Bông.
Dùng rễ và hạt.
Rễ: sau khi thu hoạch Bông, lấy rễ rửa sạch, bóc lấy vỏ phơi khô.
Hạt: Sao để loại bớt chất Gossypol.
Thành phần hóa học.
Vỏ rễ chứa vitamin K, một ít tinh dầu, tannin. Trong hạt Bông có 17-30% chất béo vitamin E, gossypol vàng và đỏ.
Tính vị, tác dụng Bông.
Rễ: vị đắng nhạt, tính mát. Thông kinh, cầm máu.
Hạt: đắng nhạt, tính bình. Nhuận tràng, lợi sữa.
Công dụng, cách dùng, liều lượng Bông.
Thường dùng vỏ rễ làm thuốc điều kinh, thông kinh và cầm máu tử cung. Ngày dùng 12-20g, dạng thuốc sắc.
Hạt bông sao vàng dùng làm thuốc lợi sữa, với liều 5g một ngày, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị khác.
Bài thuốc lợi sữa: Hạt Bông sao vàng 20g, Cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Chú ý: Trong hạt và rễ bông có chất gossypol là 1 chất độc, bị phá hủy bởi nhiệt. Khi dùng cần cẩn thận.
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá